Nhân viên công ty ở Cụm công nghiệp Phong Phú, Thủ Đức dương tính COVID-19

Lực lượng chức năng khoanh vùng nơi có ca dương tính COVID-19 - Ảnh: CTV

Tối 31-5, một lãnh đạo Trung tâm Y tế ở TP Thủ Đức xác nhận một nữ nhân viên của Công ty TNHH Coats Phong Phú, TP Thủ Đức, đã nhiễm COVID-19.

Theo thông tin ban đầu, nữ nhân viên này đã về Đồng Tháp, sau đó có triệu chứng nên đến cơ sở y tế khám và đã có kết quả dương tính với COVID-19.

Hiện toàn bộ công nhân của công ty khoảng 1.000 người đã nghỉ làm ngày cuối tuần nên ngày mai (1-6), cơ quan chức năng của TP sẽ tiến hành lấy mẫu toàn bộ nhân viên công ty để xét nghiệm.

Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online cho biết nữ nhân viên này thường làm việc tại Thủ Đức, có đến tập huấn tại phân xưởng của Công ty TNHH Coats Phong Phú nằm trong khuôn viên Cụm công nghiệp Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức).

Cụm công nghiệp Phong Phú có khoảng 5 công ty với tổng số hơn 4.000 nhân viên và người lao động. Riêng phân xưởng của Công ty Coats Phong Phú có khoảng 1.000 nhân viên.

Theo thông báo của cơ quan chức năng, ngày mai (1-6), cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm với toàn bộ nhân viên tại phân xưởng này.

Riêng nhân viên các công ty còn lại nằm trong Cụm công nghiệp Phong Phú ngày mai vẫn đi làm, việc xét nghiệm như thế nào vẫn đang chờ chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Nguồn tin này cho biết thêm hiện tại Cụm công nghiệp Phong Phú không bị phong tỏa nhưng được kiểm soát phòng dịch nghiêm ngặt.

Tối 31-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vào chiều 30-5, tại một kho hàng thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn thuộc Khu công nghiệp Vĩnh Lộc cũng ghi nhận một trường hợp nghi mắc COVID-19.

Kho hàng trên có khoảng 100 người làm việc, môi trường thông thoáng, không khép kín, có khu vực nhà ăn riêng.

Ca nhiễm này được phát hiện qua đợt triển khai lấy mẫu rộng tầm soát toàn bộ người dân cư trú tại phường 15, quận Gò Vấp.

Thùy Dương – Tiến Long

Theo Tuổi trẻ

____

Xem thêm:

TP.HCM đã chuẩn bị phương án có 5.000 ca bệnh

 TP.HCM cần chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó trong tình huống dịch bệnh xấu nhất có thể xảy ra, đồng thời tăng cường tìm các nguồn vắc xin để tiêm phòng cho lực lượng tuyến đầu, công nhân và người dân.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 7 chiều 31-5

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM vào chiều 31-5.

Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết tính đến ngày 31-5, các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho 221 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 1 trường hợp nặng chuyển đến từ tỉnh An Giang, các bệnh nhân còn lại có sức khỏe ổn định.

Về năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của thành phố, ông Tăng Chí Thượng cho biết hiện nay Bệnh viện Dã chiến Củ Chi đang điều trị cho 100 bệnh nhân mắc COVID-19 và tiếp nhận cách ly cho 1.200 người từ nước ngoài trở về.

Công suất của bệnh viện là 300 giường bệnh, trong đó có 1 phòng mổ để phục vụ cho bệnh có thể phải phẫu thuật.

Ngoài ra, thành phố còn có Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ với quy mô 600 giường bệnh, 10 phòng áp lực âm. Từ ngày 6-3 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận cách ly và điều trị 1.852 trường hợp, trong đó 127 ca mắc COVID-19.

Hiện bệnh viện vẫn đảm bảo được các vấn đề về chuyên môn, thu dung và điều trị bệnh nhân, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Theo ông Thượng, thành phố đã chuẩn bị phương án có 5.000 ca bệnh trên địa bàn. Hiện tại đã có sẵn hơn 1.900 giường bệnh, trong đó có 200 giường hồi sức với máy thở, hệ thống ECMO (hệ thống “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”) tại các bệnh viện tuyến cuối – mỗi bệnh viện tuyến cuối có 2 hệ thống ECMO.

“Như vậy, thành phố đã lên phương án dự trù sẽ điều trị cho khoảng 20% số ca mắc COVID-19 nặng, trong khi chỉ tiêu mà Bộ Y tế đưa ra chỉ là 5%”, ông Tăng Chí Thượng khẳng định.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm toàn tâm, toàn lực điều trị, cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19. Phó thủ tướng yêu cầu ngành y tế TP.HCM phải đặc biệt chú ý công tác chuẩn bị, đề phòng các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

“Thành phố cần phải tính kỹ các phương án chuẩn bị máy thở, oxy… Bài học từ Ấn Độ cho thấy khi dịch bùng phát, do không kiểm soát được đã dẫn đến tình trạng thiếu oxy trầm trọng”, ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Riêng đối với vấn đề tiêm vắc xin ngừa COVID-19, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay thành phố đang gặp khó trong việc tìm nguồn vắc xin. “Chính phủ, Bộ Y tế cần mở rộng cơ chế mua vắc xin, người dân hiện chấp nhận chích ngừa với tỉ lệ rất cao nhưng không có nguồn để mua”, ông Đức kiến nghị.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị TP.HCM cần tìm cách để có thể chủ động được nguồn vắc xin.

Bên cạnh các đối tượng ưu tiên, thành phố cần chủ động tiêm cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, đội ngũ nhân sự làm việc trực tiếp trong những khu cách ly tập trung.

“TP.HCM phải đi nhanh một bước, chú ý tiếp tục bảo vệ khu vực tuyến đầu, bảo vệ tối đa cho lực lượng ở tuyến đầu bằng tiêm vắc xin”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, trong ngày, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có buổi làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 7 về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là vấn đề liên quan đến các khu cách ly tập trung trên địa bàn do quân khu quản lý.

Theo TTXVN/Tuổi trẻ