Bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng diễn biến xấu nhanh, phải chạy ECMO

Bệnh nhân hiện được chỉ định dùng thuốc an thần, kháng sinh, kháng virus, tăng cường miễn dịch, nuôi ăn qua sonde, lọc máu liên tục… 

Ngày 25/7, bệnh nhân 416 mắc Covid-19 có diễn biến xấu rất nhanh, có biểu hiện tương tự phi công người Anh trước đó, phải chạy ECMO- kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo.

Theo thông tin từ tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, bệnh nhân 416 (nam, 57 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng có tiên lượng rất nặng. Bệnh diễn biến xấu rất nhanh. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 18/7, đến ngày 23/7 bắt đầu suy hô hấp tiến triển nhanh, sau đó phải thở máy. Ngày 25/7, bệnh nhân được chạy ECMO, lọc máu hấp phụ. Hiện phổi thông khí tạm thời.

Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, tổ hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng đã có cuộc hội chẩn lần thứ nhất để tìm biện pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nhiều khả năng bệnh nhân sẽ tiếp tục thở máy và chạy ECMO trong thời gian dài.


Theo chuyên gia, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện tím nhẹ ở đầu chi, có biến chứng nặng của hội chứng suy hô hấp tiến triển do mắc hội chứng “cơn bão cytokine” – hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Ngoài ra, phổi cũng có tình trạng đông đặc. Tình trạng này tương tự như bệnh nhân 91, phi công người Anh trước đó.

Chuyên gia cũng khẳng định các y bác sĩ đang làm hết sức để có thể cứu bệnh nhân.

Tại cuộc họp sáng 25/7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tình trạng bệnh nhân 416 tiến triển nặng rất nhanh.

“Hôm qua bệnh nhân tổn thương phổi khoảng 60% và có biểu hiện viêm cơ tim do virus SARS-CoV-2. Hiện nay bệnh nhân đang được thở máy và lọc ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) cũng như lọc máy liên tục. Tình trạng bệnh nhân đang ổn định”, ông Long cho biết.

Trước đó ngày 18/7, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ. Đến ngày 20/7, bệnh nhân đi khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng với chẩn đoán viêm phổi. Ngày 21-22/7, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, ho khạc đờm, sốt cao liên tục, vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc, suy hô hấp…

Sáng 23/7, bệnh nhân ran đầy 2 phổi, suy hô hấp tiến triển nhanh, đầu chi tím nhẹ, SpO2 tụt, được đặt nội khí quản, thở máy. Sáng 24/7, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng.

Trước đó các bác sĩ của Việt Nam cũng đã rất vất vả mới có thể cứu sống được bệnh nhân 91. Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi) và không có bệnh nền. Bệnh nhân bị đông đặc phổi ở cả hai bên, đã có thời điểm phải tính phương án ghép phổi.

ECMO là kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể được chỉ định cho những trường hợp thiếu oxy nặng, dai dẳng, thất bại với các biện pháp điều trị thông thường.


Kỹ thuật này được áp dụng cho những trường hợp suy hô hấp ở mức độ nặng. ECMO là một kỹ thuật cao nhất, chuyên sâu trong hồi sức cấp cứu. Đây là một trong những kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống máy có màng lọc sau đó trả về cho người bệnh.

Phương pháp ECMO được sử dụng cho những bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nặng không đáp ứng với việc hỗ trợ thở máy. Hệ thống máy sẽ thay thế chức năng của phổi trong những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp. ECMO là kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo, đã giúp cứu sống nhiều bệnh nặng.

Theo Dantri

Ca mắc Covid-19 thứ 417 tại Việt Nam là bé gái 5 tuổi

Sau ca mắc Covid-19 thứ 416 được công bố là bệnh nhân nam ở Đà Nẵng, chiều 25/7, Ban chỉ đạo thông báo ca mắc Covid-19 tiếp theo được ghi nhận là bé gái 5 tuổi, mới trở về Việt Nam.

CA BỆNH 417 (BN417) là bệnh nhân nữ, 5 tuổi, có địa chỉ tại Hoàng Diệu, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ngày 09/7, bệnh nhân từ Liên bang Nga về Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VN5062 và được cách ly ngay sau nhập cảnh tại tỉnh Bạc Liêu. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần ngày 10/7 và 16/7, kết quả xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 24/7 mẫu lần 3 được gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm, kết quả ngày 25/7  dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Như vậy đến nay, Việt Nam ghi nhận 417 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.


Về diễn biến dịch trong cộng đồng, kể từ ca mắc Covid-19 ở Hà Giang được ghi nhận hôm 16/4, đến ngày 24/7, Việt Nam trải qua 99 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19. Ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng là ca bệnh trong nước đầu tiên được ghi nhận sau hơn 3 tháng vắng bóng dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.815, trong đó:

– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 147

– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.993

– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 675

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã chữa khỏi 365/417 ca mắc Covid-19.

Trong số bệnh nhân đang điều trị, có 8 ca đã âm tính từ 1-2 lần với SARS-CoV-2.

Riêng bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng diễn biến đang nặng lên, phải vào ECMO.

Trước đó, bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 18/7, đến ngày 23/7 bắt đầu suy hô hấp tiến triển nhanh, sau đó phải thở máy. Ngày 25/7, bệnh nhân được chạy ECMO, lọc máu hấp phụ. Hiện phổi thông khí tạm thời. Nhiều khả năng bệnh nhân sẽ tiếp tục thở máy và chạy ECMO trong thời gian dài.

Theo chuyên gia, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện tím nhẹ ở đầu chi, có biến chứng nặng của hội chứng suy hô hấp tiến triển do mắc hội chứng “cơn bão cytokine” – hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Ngoài ra, phổi cũng có tình trạng đông đặc. Tình trạng này tương tự như bệnh nhân 91, phi công người Anh trước đó.

Bộ Y tế chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực, chi viện nhóm bác sĩ BV Chợ Rẫy có kinh nghiệm điều trị Covid-19 ra Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị tốt cho nhất bệnh nhân.

Theo Dantri